Khoảng cách an toàn giữa 2 xe khi tham gia giao thông đường bộ là bao nhiêu? Làm cách nào có thể căn chính xác khoảng cách đó và nếu không tuân thủ có bị phạt không? Cùng Honda Mỹ Đình đi tìm hiểu nhé!
Quy định về khoảng cách an toàn khi tham gia giao thông
Theo Điều 11 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT của Luật Giao thông đường bộ, ở điều kiện giao thông bình thường, đường xá khô ráo thì khoảng cách an toàn giữa hai xe là như sau:
- Vận tốc dưới 60 km/h: Khoảng cách an toàn sẽ được dựa theo tình hình giao thông thực tế mà người lái sẽ chủ động giữ an toàn với xe phía trước và bên cạnh bằng cách điều chỉnh tốc độ phù hợp. Trường hợp này không có khoảng cách cụ thể vì có thể những trường hợp tắc đường, ùn ứ xảy ra.
- Vận tốc xe ~60 km/h: Khoảng cách cần để an toàn là 35m.
- Vận tốc xe 60 – 80 km/h: Khoảng cách an toàn tối thiểu cần 55m.
- Vận tốc xe 80 – 100 km/h: Khoảng cách an toàn tối thiểu là 70m.
- Vận tốc từ 100 – 120 km/h: Khoảng cách an toàn tối thiểu là 100m.

Ở các đoạn đường có biển báo “Cự ly tối thiểu giữa hai xe”, thì có nghĩa rằng người lái phải tuân thủ đúng luật quy định về khoảng cách tối thiểu theo giá trị số được ghi trên biển báo.
Trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, bất lợi cho việc tham gia giao thông như: trời mưa, đường trơn, lái xe đường sương mù, nơi có tầm nhìn hạn chế, lái xe đường đèo dốc quanh co,… thì khoảng cách an toàn cần tuân thủ phải tăng thêm so với quy định. Điều này giúp đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông cho cả bạn và những người xung quanh.
Xem thêm : Những lỗi quay đầu xe ô tô dễ mắc phải và các mức phạt
Các quy tắc an toàn nên áp dụng khi tham gia giao thông
Quy tắc 2 giây
Nguồn gốc của quy tắc này là từ những nghiên cứu, người ta đã tính ra được 2 giây là khoảng thời gian tối thiểu mà người lái có thể xử lý khi có các tình huống bất ngờ xảy ra.
Và đương nhiên ngữ cảnh của tình huống trên là ở điều kiện lái xe bình thường cùng với hệ thống vận hành xe bình thường, đường xá khô ráo, khả năng xử lý thông tin của người lái cũng bình thường (Không dị tật).
Căn cứ theo những nghiên cứu này mà họ đã đề ra những lời khuyên mang tính an toàn cực kì thiết thực trong cuộc sống. Cụ thể, xe phía sau cần cách xe phía trước ít nhất 2 giây. Điều này có thể đảm bảo rằng người lái phía sau có thời gian phản ứng, xử lý trước tình huống bất ngờ nếu xảy ra.

Muốn áp dụng quy tắc 2 giây, các bạn có thể làm theo các bước sau:
- Đầu tiên, bạn phóng tầm nhìn về phía trước và lấy một vật cố định nào đó như biển báo, cây xanh ven đường làm điểm mốc.
- Khi xe phía trước vừa chạy tới điểm mốc, bạn tiến hành đếm lên. Dựa theo quy tắc mà bạn đang dùng là có thể 2 giây, 3 giây,..
- Nếu khoảng thời gian mà xe bạn chạy tới cột mốc này là từ 2s thì nghĩa là bạn đã thành công duy trì đúng khoảng cách 2 giây với xe phía trước. Cách xác định này bạn đều có thể áp dụng cho các phương pháp khác.
- Tuy nhiên, cách đếm cũng sẽ ảnh hưởng tới thời gian thực, vì thế lại có mẹo về cách đếm để căn chính xác thời gian. Không nên chỉ đếm là “không một, không hai” vì thông thường sẽ nhanh hơn so với thời gian thực tế, không đủ 2 giây. Các bác tài kinh nghiệm đã truyền lại rằng nên đếm “Một không không một, hai không không hai” vì như vậy sẽ đảm bảo ít nhất là đủ thời gian an toàn.
- Nếu đã áp dụng quy tắc và thấy chưa đến 2 giây mà xe bạn đã tới hoặc qua điểm làm mốc thì xe bạn đang chạy quá cự ly an toàn tối thiểu. Nên giảm tốc độ để điều chỉnh lại khoảng cách. Trong trường hợp đã đếm xong mà xe bạn chưa chạy qua cột mốc, nghĩa là xe bạn đang giữ khoảng cách chuẩn với xe phía trước.
Quy tắc 4 giây khi lái xe
Quy tắc 4 giây cũng tương tự với quy tắc 2 giây và có cùng mục đích là giữ an toàn cho người tham gia giao thông. Cách đếm cũng tương tự như vậy, khác nhau là ở điểm hoàn cảnh áp dụng cụ thể của từng phương pháp.
Quy tắc 2 giây được dùng ở điều kiện lái xe, thời tiết, đường xá bình thường. Còn quy tắc 4 giây được sử dụng khi lái xe trong điều kiện hoàn cảnh bất lợi, nguy hiểm như: mưa gió, đường trơn trượt, trời sương mù, đường núi ngoằn ngoèo… Các yếu tố này ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phản ứng của người lái, vì thế cần thời gian lâu hơn để xử lý chính xác hơn.

Quy tắc 3 giây
Quy tắc 3s là bản nâng cao độ an toàn của quy tắc 2s, cũng được áp dụng trong điều kiện thời tiết bình thường. Nhưng điểm khác biệt là quy tắc 3 giây được sử dụng ở các trường hợp di chuyển với tốc độ cao như ở trên cao tốc.
Nếu quy tắc 2s áp dụng cho các xe di chuyển ở tốc độ dưới 80 km/h. Thì quy tắc 3s được khuyến cáo sử dụng cho xe di chuyển ở tốc độ từ 80 km/h trở lên.
Với tốc độ cao thì lực quán tính cũng cao hơn nên thời gian cần để xử lý cũng cần tăng. Vì thế nên áp dung khoảng cách an toàn 3s với xe đi ở vận tốc cao hơn 80km/h.
Quy tắc 2, 3, 4 giây có áp dụng tại Việt Nam được không?
Theo phân tích, tình hình giao thông ở Việt Nam vô cùng phức tạp, đặc biệt là vào những lúc tan tầm. Vậy nên, các quy tắc an toàn này có thể áp dụng và cần phải linh động tùy tình huống.
Với đường quốc lộ thông thoáng, phương tiện di chuyển tốc độ ổn định thì có thể áp dụng quy tắc 2 giây, 3 giây hay 4 giây. Với đường cao tốc, vì xe chạy tốc độ nhanh do đó nên áp dụng quy tắc an toàn 4 giây hoặc lớn hơn. Với đường đô thị đông đúc thì rất khó áp dụng quy tắc 2 giây do không đảm bảo an toàn.
Mức phạt lỗi không giữ khoảng cách an toàn giữa 2 xe
Theo quy định, khi phạm lỗi không giữ khoảng cách an toàn giữa 2 xe, mức phạt sẽ như sau:
- Không giữ khoảng cách an toàn dẫn đến va chạm với xe phía trước, không tuân thủ biển báo “Cự ly tối thiểu giữa hai xe”: Mức phạt 800.000 – 1.000.000 đồng.
- Không giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước khi lái xe trên cao tốc: Mức phạt 3.000.000 – 5.000.000 đồng.
- Không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định dẫn đến tai nạn giao thông: Mức phạt 10.000.000 – 12.000.000 đồng.
Xem thêm : Hướng dẫn tự thay nhớt động cơ xe ô tô ngay tại nhà
Bài viết trên đây của chúng tôi là những gì bạn cần biết về khoảng cách an toàn giữa 2 xe và phương pháp để căn đo khoảng cách đó. Mong rằng với những thông tin trên đây của Honda Mỹ Đình thì bạn sẽ có được những chuyến di chuyển an toàn nhất cho bản thân và gia đình,